KẾ HOẠCH CHUYÊN MÔN NĂM HỌC 2021-2022

UBND HUYỆN TÂN HỒNG         CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 TRƯỜNG MẦM NON                          Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

    THỊ TRẤN SA RÀI                              

          Số:  10a  /KH-MNTSR                                 Tân Hồng, ngày 01 tháng 02 năm 2022

                      KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHUYÊN MÔN

                           ĐIỀU CHỈNH SAU DỊCH BỆNH COVID 19

                                       NĂM HỌC: 2021 – 2022

 

Thực hiện Hướng dẫn số1050 /HD-PGDDĐT, ngày 01 tháng 09 năm 2021 của Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Tân Hồng, về việc hướng dẫn thực hiện kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 của giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông;

Căn cứ Kế hoạch số 550/KH-MNTTSR, ngày 5 tháng 11 năm 2021 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021- 2022;

Căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021;

Nay bộ phận chuyên môn đề ra phương hướng hoạt động chuyên môn năm học 2021-2022 như sau:

  1. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH.

       1/ Thuận lợi:

– Được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sự nhiệt tình giúp đỡ của các bậc phụ huynh.

– Tập thể giáo viên 100% đạt chuẩn về chuyên môn và trên chuẩn. Nhiệt tình, chịu khó, có năng lực và trách nhiệm cao.

– Các cán bộ giáo viên hiểu rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc soạn và giảng dạy, giáo viên đã tự trang bị máy tính cho mình nên việc dạy trẻ đạt kết quả cao.

– Sân chơi có đủ đồ chơi cho trẻ.

2/ Khó khăn :

– Trường còn thiếu 2 phòng học: 8 phòng/10 lớp.

– Do ảnh hưởng dịch Covid, trẻ chưa đến trường nên khó trong công tác tổng hợp số liệu, nắm số trẻ huy động.

I.NHIỆM VỤ CỤ THỂ

  1. .Đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ em trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạ.

     a.Yêu cầu:

Thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của các cấp. Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế địa phương trong việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh (dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác…) trên địa bàn, bảo đảm các yêu cầu, điều kiện về trang thiết bị trong phòng chống dịch bệnh; phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ cha mẹ/người chăm sóc trẻ (cha mẹ) đảm bảo an toàn trong thời gian trẻ ở nhà tránh dịch; làm tốt công tác y tế trường học theo Thông tư số 13/2016/TTLT-BYT-BGD ngày 12 tháng 5 năm 2016 của Bộ Y tế và Bộ GDĐT tăng cường công tác quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19; làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư tưởng và hành động cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục theo Chương trình GDMN.

Tăng cường các biện pháp quản lý, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19; đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường theo quy định tại Nghị định số 80/2017/NĐ-CP bảo đảm an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ. Đưa các nội dung Chuyên đề ‘‘Đẩy mạnh phòng chống bạo hành trẻ’’ vào nhiệm vụ thường xuyên của nhà trường, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Chú trọng công tác tự kiểm tra, đánh giá các tiêu chuẩn về an toàn trong đơn vị nhằm phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ; thực hiện nghiêm bộ quy tắc ứng xử theo quy định; thực hiện tốt công tác quản lý các hoạt động của trẻ tại trường, bảo đảm an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ.

Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong công tác đảm bảo an toàn, phòng chống bạo lực học đường, tổ chức ăn bán trú, giáo dục an toàn giao thông, lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống tai nạn thương tích vào chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ theo hướng dẫn của Bộ GDĐT; tiếp tục thực hiện Chương trình “Tôi yêu Việt Nam” về giáo dục an toàn giao thông cho trẻ em mầm non.

b.Chỉ tiêu:

– Không phát sinh ca nhiễm trong đơn vị.

– Hạn chế mức thấp nhất ca nghi nhiễm, F1, F2

– 100% giáo viên trong đơn vị được tiêm ngừa 2 mũi và test trước khi bắt đầu nhận trẻ đến trường.

– Hạn chế thấp nhất tai nạn thương tích trên trẻ.

– Tuyệt đối không xảy ra trường hợp bạo hành, xâm phạm trẻ.

c. Biện pháp:

– Tăng cường công tác tuyên truyền cho cha mẹ trẻ qua nhiều hình thức

– Thường xuyên kiểm tra các điều kiện về cơ sở vật chất tổ chức các hoạt động tại đơn vị để đảm bảo an toàn cho trẻ

– Thông tin kịp thời các nội dung liên quan đến tình hình dịch bệnh và chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh. Xây dựng phương án xử trí kịp thời, phù hợp

– Theo dõi và quản lý tốt giáo viên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở các lớp

– Rà soát, tiêm ngừa và test tất cả giáo viên trước khi nhận trẻ đến trường

– Đưa nội dung an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ vào tiêu chí thi đua và quy chế ngành và nội quy cơ quan

  1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục

     a.Yêu cầu:

Triển khai kịp thời các văn bản, chính sách về GDMN. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển GDMN giai đoạn 2019 – 2025, xây dựng chỉ tiêu phát triển về GDMN đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm giai đoạn 2021 – 2030 của Chính phủ theo thực tế đơn vị và địa phương

Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục theo hướng phân cấp, phân quyền, tự chủ gắn với cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình; tăng cường đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt chuyên môn, không phát sinh hệ thống hồ sơ sổ sách so với quy định. Thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định về tổ chức và hoạt động của trường theo Điều lệ trường mầm non.

     b.Chỉ tiêu:

– 100% CB-GV-NV đơn vị được tham gia tiếp thu các Nghị quyết, được thông tin các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

– 100% tổ chuyên môn sinh hoạt đủ, đúng quy định và có chất lượng.

– 100% nội dung công khai đúng, đủ, kịp thời theo quy định

– 100% tổ, bộ phận có kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả

   c.Biện pháp:

– Thực hiện phân công chuyên môn và phân công nhiệm vụ cụ thể từng bộ phận, cá nhân. Triển khai trong cuộc họp sinh hoạt chuyên môn đầu năm.

– Triển khai và thực hiện nghiêm túc các kế hoạch của chuyên môn

– Phát huy vai trò các tổ chuyên môn trong các hoạt động, sinh hoạt chuyên đề, hội giảng, thao giảng, …

Công tác xây dựng đội ngũ

a.Yêu cầu:

Nhận thức được việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho giáo viên là một vịêc làm cần thiết cho chính bản thân giáo viên cũng như cho nhà trường;

b.Chỉ tiêu:

– Phó hiệu trưởng  tham gia các lớp bồi dưỡng theo chuẩn của giáo viên mầm non.

– Giáo viên tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng chuyên môn theo quy định.

c.Biện pháp:

– Phó hiệu trưởng tham dự đầy đủ các lớp bồi dưỡng chuyên môn do cấp trên tổ chức;

– Điều tra đánh giá thực trạng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trình độ lý luận chính trị của giáo viên và công nhân viên.

– Tạo điều kiện cho giáo viên tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng chuyên môn theo quy định.

– Dự giờ thăm lớp thường xuyên theo quy định của ngành học, tổ chức thao giảng 5 lĩnh vực, phát triển nhận thức, thể chất, tình cảm kỉ năng xã hội, ngôn ngữ, thẩm mĩ.

Nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non

a.Yêu cầu:

– Giáo viên phải biết xây dựng kế hoạch năm học đảm bảo nội dung chương trình giáo dục mầm non theo từng độ tuổi. Đối với giáo viên dạy lớp 5 tuổi phải biết kết hợp Bộ chuẩn và lựa chọn các mục tiêu dành cho trẻ 5 tuổi vào chương trình giáo dục trẻ cho phù hợp trẻ, với tình hình lớp mình phụ trách.

– Xây dựng chương trình theo hướng tích hợp lấy trẻ làm trung tâm.

– Kết hợp hài hoà giữa chăm sóc và giáo dục

b.Chỉ tiêu:

– 100% Giáo viên áp dụng tốt chương trình giáo dục mầm non, biết sáng tạo cập nhật kiến thức kỹ năng tổ chức các hoạt động vào việc chăm sóc giáo dục trẻ theo từng độ tuổi.

c.Biện pháp:

– Giúp giáo viên nắm được mục tiêu giáo dục trẻ theo từng độ tuổi.

– Hướng dẫn giáo viên phải biết dựa vào khả năng phát triển của trẻ lớp mình, số lượng trẻ trong lớp, nhu cầu hứng thú, kinh nghiệm của trẻ, cơ sở vật chất, phòng nhóm, sân chơi và thiết bị, nguyên vật liệu, đồ dùng đồ chơi, tài liệu đã có để chọn những nội dung giáo dục phù hợp.

– Giúp giáo viên hiểu và có thể lồng ghép các lĩnh vực vào tiết học một cách nhẹ nhàng và đạt hiệu quả cao. Các hoạt động trong ngày cần  lưu ý sắp xếp tích hợp một cách tự nhiên, linh hoạt và thực hiện xuyên suốt trong chủ đề. Cần khắc phục tình trạng cô nói nhiều, làm hộ trẻ. Nên kích thích trẻ suy nghĩ thông qua hệ thống câu hỏi gợi mở, khích lệ trẻ suy nghĩ và chia sẻ ý kiến và đặt câu hỏi, tăng cường các công tác hoạt động trải nghiệm, khám phá, tham quan.

4.1.  Đối với tổ trưởng:

a.Yêu cầu:

– Chức năng: Tổ trưởng phải đi sâu nghiên cứu chương trình đánh giá các mục tiêu  cho trẻ 5 tuổi, làm đồ dùng theo đúng theo thông tư 02 và phương  pháp tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non đã quy định.

– Nhiệm vụ : Quản lý trực tiếp giáo viên của tổ.

– Tổ chức thực hiện các chuyên đề nâng cao chất lượng giáo dục trẻ xây dựng các đề tài sáng kiến kinh nghiệm áp dụng thực tế vào giảng dạy.

– Giúp đỡ giáo viên soạn giảng chuẩn bị đồ dùng khi đến lớp

– Hướng dẫn giáo viên rút kinh nghiệm trong giảng dạy và học hỏi tiết dạy hay những mẫu đồ dùng đẹp và sáng tạo.

b.Chỉ tiêu:

– Tổ trưởng quản lý tốt việc thực hiện chuyên môn của tổ mình theo đúng quy định.

– Tổ trưởng luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình, giúp đỡ đồng nghiệp trong tổ hoàn thánh tốt việc chăm sóc giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục mầm non.

c.Biện pháp:

– Xây dựng nề nếp,  lịch hoạt động của tổ

– Xây dựng kế hoạch năm, tháng, chủ đề và kế hoạch đánh giá trẻ theo các mục tiêu.

– Đánh giá tình hình hoạt động của tổ trong năm qua về giảng dạy (giáo viên xếp loại gì)

+ Kết quả của trẻ ( các phong trào)

+ Nhiệm vụ của tổ (nêu ngắn gọn thuận lợi , khó khăn)

+ Nhiệm vụ của tổ năm nay

+ Lịch tiến trình các công tác lớn.

          4.2.  Đối với giáo viên:

         a.Yêu cầu:

– Giáo viên phải biết và định hướng được công việc mình cần làm gì cho hoạt động chuyên môn, đối với giáo viên dạy lớp 5 tuổi ngoài đánh giá trẻ theo chủ đề, nhận xét trẻ hàng ngày, đánh giá trẻ theo bộ chuẩn trẻ 5 tuổi, giáo viên phải tìm hiểu, nghiên cứu xây dựng bài tập đánh giá trẻ cho phù hợp với quá trình phát triển của trẻ.

– Nêu rõ nội dung công việc và có sự sáng tạo khi thực hiện các hoạt động chuyên môn.

  1. Chỉ tiêu:

– Thực hiện sổ hồ sơ, sổ sách gồm 4 loại:

+ Sổ kế hoạch giáo dục trẻ em

+ Sổ theo dõi (điểm danh,theo dõi sức khỏe, theo dõi đánh giá trẻ theo bộ chuẩn)

+ Sổ chuyên môn: (dự giờ, tham quan học tập, ghi chép các nội dung sinh hoạt chuyên môn)

+ Sổ theo dõi tài sản của nhóm lớp, trẻ mẫu giáo.

– Công tác dự giờ, hội giảng của trường, thao giảng của tổ phải tham gia đầy đủ theo quy định.

b.Biện pháp:

– Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở giáo viên thực hiện đầy đủ các loại hồ sơ sổ sách theo quy định, soạn giáo án duyệt trước một tuần, làm đồ dùng phục vụ tiết dạy đầy đủ.

– Kiểm tra, dự giờ bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên cho giáo viên, tổ chức thao giảng, hội giảng để giáo viên trao dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên trong trường.

5. Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đối với giáo viên

a.Yêu cầu:

    Xây dựng kho tài liệu học liệu trực tuyến dùng chung, lựa chọn nền tảng, giải pháp phần mềm quản lý để hỗ trợ thực hiện và triển khai Kế hoạch giáo dục theo Chương trình GDMN. Việc lựa chọn nền tảng và phần mềm cần đáp ứng được các yêu cầu như: hiệu quả, dễ sử dụng, có tính hệ thống và khoa học trong việc lưu trữ, dễ khai thác và chia sẻ tài nguyên; hỗ trợ tốt cho công tác quản lý của nhà trường và kiểm tra, giám sát; giảm hồ sơ giấy trong việc xây dựng, thực hiện Kế hoạch giáo dục.

Triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số cho giáo viên trong các hoạt động theo kế hoạch của Phòng GD ĐT (Căn cứ Kế hoạch số 78/KH-SGDĐT ngày 05 tháng 7 năm 2021 của Sở GD ĐT)

Tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên. Lựa chọn và triển khai các ứng dụng, các phần mềm hỗ trợ trong công tác giảng dạy như: lập kế hoạch, theo dõi chỉ đạo, quản lý về đồ dùng, thiết bị, đồ chơi

b.Chỉ tiêu:

– 100% máy tính được kết nối cho trẻ sử dụng

– 100% trẻ đến trường có tài liệu, học liệu sử dụng

– 100% giáo viên tổ chức hoạt động có đồ dùng, đồ chơi.

– 100% giáo viên biết sử dụng CNTT trong giảng dạy phù hợp.

– Mỗi giáo viên có ít nhất 02 nội dung giáo dục dạy học trực tuyến theo lứa tuổi phụ trách. (khuyến khích các tổ xây dựng, lựa chọn nội dung để không trùng lắp nhau)

– Kho tư liệu trực tuyến trường phong phú nội dung, đảm bảo để giáo viên sử dụng phục vụ công tác tuyên truyền

c.Biện pháp:

Tuyên truyền, vận động phụ huynh trang bị tài liệu, học liệu cho trẻ khi đến lớp. Giáo viên chủ nhiệm giáo dục trẻ sử dụng, bảo quản đồ dùng cá nhân phù hợp theo từng độ tuổi

Cập nhật thường xuyên các phần mềm sử dụng. Tổ chức hướng dẫn viên chức, người lao động kỹ năng sử dụng, khai thác phần mềm trực tuyến, website,…

Bộ phận tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên thực hiện các nội dung giảng dạy trực tuyến. Xây dựng mức điểm thưởng hợp lý cho nội dung này khi đưa vào thi đua

Thành lập tổ hỗ trợ CNTT tại đơn vị

Công tác tuyên truyền:

 a.Yêu cầu:

– Các bậc cha mẹ học sinh quan tâm đến việc học của các cháu, kết hợp tốt với nhà trường trong quá trình chăm sóc giáo dục trẻ.

– Nhiệt tình phối hợp với giáo viên chủ nhiệm trong việc đánh giá trẻ theo đúng khả năng của trẻ ở trường cũng như ở gia đình.

– Xây dựng kho tư liệu trực tuyến thực hiện công tác tuyên truyền đến phụ huynh chăm sóc và giáo dục trẻ trong thời gian nghỉ dịch covid 19

    b.Chỉ tiêu:

– 100 % cha mẹ trẻ kết hợp tốt với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm lớp.

    c.Biện pháp:

– Tuyên truyên đối với các bậc cha mẹ phải thực hiện bằng nhiều hình thức, nội dung dễ hiểu và phải được thay đổi thường xuyên.

– Phối hợp với các ban ngành để thông tin tuyên truyền đến phụ huynh cách dạy con theo khoa học và các thông tin khác về ngành.

– Giáo viên của từng lớp liên hệ với phụ huynh để thực hiện tuyên truyền trên các trang mạng như: Zalo, facebook, đường link của trường.

           III. CHỈ TIÊU CÁC PHONG TRÀO CẦN ĐẠT

– Tham gia đầy đủ các hội thi do cấp trên tổ chức.

– Có kế hoạch bồi dưỡng trẻ ngay từ đầu năm học, tuyển chọn đúng chất lượng đủ tiêu chuẩn.

  1. Chỉ tiêu cần đạt:

* Hội thi của bé:

 – Hội thi “Bé khỏe bé ngoan”

+ Cấp trường: Tháng 04/2022. Trẻ tham dự đạt 90%

– Hội thi “Bé vui giao thông”:

+ Cấp trường: Chọn 1 đội dự thi huyện.

+ Cấp huyện: Tháng 5/2022, đạt giải II

+ Cấp tỉnh: Tháng 6/2022 phấn đấu dự thi.

– Hội thi “Hội khỏe măng non”:

+ Cấp trường: Tổ chức cho các lớp 5 tuổi thi và chọn ra 1 đội dự thi cấp huyện

+ Cấp huyện: Tháng 5/ 2022, đạt giải II hoặc III

+ Cấp tỉnh: Tháng 6/2022 phấn đấu dự thi đạt giải.

* Hội thi của cô:

          – Hội thi “Giáo viên dạy giỏi” giáo dục mầm non:        

+ Cấp trường: Tháng 04/2022 tất cả giáo viên tham gia

+ Cấp huyện: Sẽ tham gia nếu tổ chức

  1. Biện pháp:

– Phát huy tinh thần chủ động sáng tạo của giáo viên và trẻ trong giảng dạy và học tập.

– Giao chỉ tiêu cho giáo viên chủ nhiệm các lớp, lập hồ sơ theo đúng tiêu chuẩn dự thi.

– Giao giáo viên chủ nhiệm lớp và giáo viên có năng khiếu chọn lọc các trẻ và bồi dưỡng ngay từ đầu năm học.

– Triển khai và kết quả hoạt động xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích, đề nghị, công nhận trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích vào cuối năm học.

– Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho giáo viên thông qua các buổi dự giờ. Tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường để giáo viên tham gia học hỏi đồng nghiệp trong trường.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

a.Đối với tổ trưởng tổ chuyên môn:

– Tổ trưởng căn cứ vào kế hoạch chuyên môn trường để lập kế hoạch chuyên môn tổ, phổ biến kế hoạch đến từng giáo viên, nhắc nhở giáo viên trong tổ thực hiện tốt tiến trình

– Ngay từ đầu năm học tổ chuyên môn sẽ hướng dẫn các cô các kĩ năng ôn luyện trẻ

– Các lớp có nhiệm vụ theo dõi chọn lọc những trẻ có năng khiếu để ôn luyện cho trẻ.

– Tổ chuyên môn sẽ tổ chức hội trẻ của bé cấp trường, sau đó chọn những trẻ hoặc tập thể đạt giải cao nhất để tham gia hội thi cấp huyện

b. Đối với giáo viên:

– Giáo viên căn cứ vào kế hoạch của tổ trưởng để xây dựng kế hoạch chi tiết cho nhóm lớp mình phụ trách.

– Giáo viên cần bám sát vào chương trình giáo dục mầm non do bộ giáo dục và đào tạo quy định để vận dụng vào công tác giảng dạy của mình.

– Tổ chuyên môn sẽ xây dựng kế hoạch hội thi giáo viên dạy giỏi, sau đó sẽ triển khai lại những nội dung và hình thức, đối tượng đủ điều kiện tham gia hội thi.

 Trên đây là kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục mầm non  năm học 2021-2022. Các tổ trưởng căn cứ vào nội dung kế hoạch của từng tổ, lớp, xây dựng kế hoạch cụ thể cho tổ của mình để thực hiện.

 Nơi nhận :                                                                          Người lập kế hoạch

– Hiệu trưởng: (b/c );                                                                                                           Phó hiệu trưởng

– Tổ trưởng, giáo viên: (Th/h);

– Lưu:( CM) .